Kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm
Ở nước ta, từ khá lâu trở lại đây, sự chú ý lớn nhất trong tháng cuối năm luôn được dành cho lễ hội mang tính tôn giáo: Giáng sinh. Và trong dòng chảy nội dung liên quan đến đề tài này, có một bài viết hay, cách đây khá lâu của KTS Nguyễn Văn Tất về nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình). Xin được chia sẻ những xúc cảm một kiến trúc sư nhiều năm gắn bó với nghề trước công trình được xem là một trong những đỉnh cao của kiến trúc tôn giáo tại Việt Nam.
Chắc chắn cảm xúc của tôi sẽ nặng về kiến trúc – vì nghề của mình – với một mỹ cảm trong sáng và khách quan – vì là người ngoại đạo – tôi mong muốn “giải mã” niềm cảm xúc đã nói, mong muốn đến mức xem đó là một công việc nghề nghiệp rất nghiêm túc, cho mình.
Đầu tiên, tôi tưởng ấn tượng đến quá mạnh bởi cuộc thăm viếng hơi đặc biệt, là nguyên nhân chính. Chuyến thăm như một món quà bất ngờ dành cho một mong ước từ quá lâu, lại nghiến ngấu thụ cảm vì thời gian quá ngắn. Ngắn nhưng là một khoảnh khắc vàng. Tôi đã ôm nỗi náo nức tột độ khi ngôi nhà thờ chính hiện ra trong ráng vàng chiều rực rỡ, đi quanh quẩn cho đến khi cả quần thể đắm mình trong không gian u tịch lúc hoàng hôn; và khi đứng trên gác chuông, chung quanh đã mênh mông một đêm trăng huyền diệu.
Tôi tưởng làm nên cảm xúc khác lạ có phần của câu chuyện xây dựng kéo dài nhiều chục năm với sự chỉ đạo của đức thầy(*) Trần Lục, một người Việt Nam không được đào tạo về kiến trúc chính quy, nhưng thừa quyết tâm, thông minh, khéo léo và sự kiên trì thực nghiệm để xây dựng nên quần thể nhà thờ. Chậm rãi và chắc chắn như đặt từng cái dĩa lên mặt bàn vậy.
Tôi cũng tưởng như mọi người, điều đặc biệt nhất của nhà thờ Phát Diệm là được xây bằng đá, một loại công nghệ kiến trúc không phổ biến trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, cho đến khi biết được đền thờ vua Trần ở Bích Động với toàn đá, nhiều nhà dân gian với chi tiết kiến trúc bằng đá, thì mới biết ra chế tác đá là một truyền thống đặc sắc của Ninh Bình. Nhưng điều đáng tôn vinh là chỉ khi tới nhà thờ đá Phát Diệm, dấu ấn đỉnh cao mới được xác định với tài năng và ý chí của đức thầy Trần Lục và lớp lớp nghệ nhân – giáo dân, làm rạng danh nghề đá truyền thống Ninh Bình. Và chủ quan mà nói, rạng rỡ trí tuệ Việt Nam. Bởi vì với một lịch sử phát triển lâu dài và có hệ thống chặt chẽ của đạo giáo, không có mấy kiến trúc nhà thờ trên thế giới có kiểu phá cách bằng kiến trúc bản địa thành công độc đáo như nhà thờ đá Phát Diệm.
Cũng như mọi người, tôi tưởng điều đặc biệt gây ấn tượng là sự phối kết tuyệt hảo, kiến trúc đá và kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam. Đặc biệt dung nạp một điều tối kỵ, lối vào chính ở đầu hồi nhà mà không gây khó chịu ở thói quen tâm lý. Và thật là giỏi khi sử dụng góc nhìn dọc của cấu trúc vì kèo gỗ truyền thống để diễn đạt một cách đặc sắc không gian nội thất quen thuộc của ngôi nhà thờ chính thống. Rất chuẩn mực, lại rất Việt Nam. Nhưng đỉnh điểm tinh tế của tác phẩm kiến trúc là những phù điêu, họa tiết tôn giáo được phả vào nhiều xúc cảm Việt: những hàng balustrade cách điệu dáng tre, các thiên thần gợi dáng tranh Đông Hồ, các câu chuyện tôn giáo trong các phù điêu đá chạm lõng kiểu bức bình phong mai – lan – cúc – trúc….
Tất cả những điều tưởng như là đúng nhất để giải thích một cảm giác khác lạ về kiến trúc nhà thờ Phát Diện cuối cùng không phải như vậy. Tôi vô cùng vui mừng phát hiện ra điều đó.
Rất khác với mọi ngôi giáo đường chính thống, kiến trúc uy nghi tự nó lừng lững và thanh thoát vươn thẳng lên bầu trời. Thánh đường luôn là chủ thể độc nhất trong không gian tổng thể, là một sự che chở, nâng đỡ đầy uy lực đối với những tâm hồn nhỏ bé của mỗi con chiên.
Nhà thờ Phát Diệm vô cùng đặc sắc, không chỉ ở kiến trúc, mà vì có cái đẹp mãnh liệt của một quần thể kiến trúc, điều hiếm hoi trong kiến trúc nhà thờ. Và niềm xúc cảm lạ lùng đã được giải mã. Đó là những rung cảm của tâm hồn Việt, những chia sẻ tự nhiên bằng một mỹ cảm quen thuộc, gửi gắm qua một quần thể kiến trúc vừa tưởng như rất khác lạ vì tầm vóc kỳ vĩ, lại vừa ấm áp thân quen như những đường làng ngõ xóm…
Ngay từ sự xuất hiện đầu tiên, mặt hồ rộng soi bóng tháp chuông nhà thờ, làm lung linh một hình ảnh ao làng với mái đình quen thuộc. Không có lối đi chính diện thẳng vào cửa lớn kiểu phương Tây. Một đường lượn cạnh hồ dẫn vào sân hông gợi cho ta một kiểu vào của đền Ngọc Sơn hay chùa Trấn Quốc. Những khoảng sân tạo ra bằng khoảng cách của nhà thờ chính và các nhà thờ phụ, lối quanh co dẫn đến nhà thờ đá… làm sự kỳ vĩ của nhà thờ chính không uy hiếp không gian xung quanh mà làm ấm áp hơn lên tâm lý nương tựa tinh thần. Trên trục dọc nhà thờ chính đã thật bất ngờ xuất hiện một khoảng sân trong mà theo tôi là độc nhất vô nhị trong bố cục kiến trúc nhà thờ. Khoảng sân làm nhẹ đi, làm khối nhà thờ dài không đơn điệu. Đó còn là một dấu ấn nhiệt đới và phảng phất hơi hướng kiến trúc Việt.
Mộ của đức thầy Trần Lục được đặt ở vị trí trân trọng trong vuông sân này, đánh động tâm lý mang ơn cho mọi người, và làm câu chuyện về quần thể kiến trúc thêm vẻ đẹp của nghĩa cử, vẻ đẹp nhân văn vĩnh hằng.
Bằng sự rung động chân thành, lòng ngưỡng mộ và cả tự hào trước vẻ đẹp kiến trúc của quần thể nhà thờ Phát Diệm, tôi xin được gọi đó là một thiên sứ kiến trúc. Một thiên sứ kiến trúc sáng danh.
(*) Cách gọi để bày tỏ lòng tôn kính, không có nghĩa là “Giám mục”
Bài & Ảnh: Kts Nguyễn Văn Tất
Theo tcnhadep.com