Đẹp giản đơn
Đẹp mà giản đơn, tưởng dễ mà không hề dễ. Ngay cả cái “đẹp” và cái “giản đơn” cũng tùy thuộc vào cách nhìn, cách cảm nhận của từng cá nhân và nó đều liên quan đến nghề nghiệp, công việc và phong cách sống của mỗi người. Bàn tròn số này hy vọng sẽ gợi mở một vài điểm chung nhất về Đẹp giản đơn trong kiến trúc và không gian sống.
CHỌN TÁCH, HAY CHỌN CÀ PHÊ?
Trung Nhân (Nhà báo)
1. Trong một bài viết về trào lưu “Sống giản đơn” (Simple living hay Living simply) đang lan rộng ở các nước công nghiệp hóa, chuyên gia công tác xã hội Nguyễn Thị Oanh (1931 – 2009) kể câu chuyện một người thầy già mời đám học trò cũ là những người thành đạt tới nhà uống cà phê. Ông bày ra những cái tách đủ loại: sang trọng, bình thường, đẹp, xấu và cả đồ nhựa, cho khách chọn. Rồi ông nói: “Các bạn thấy không? Cái tách không làm tăng chất lượng của cà phê, có khi nó còn che giấu giá trị thật của thức uống, đôi khi nó khiến bạn phải trả tiền nhiều hơn…”. Bài báo in ra vài năm trước, nhắc tôi mãi câu nói của ông thầy: “Quá tập trung vào cái tách, ta quên thưởng thức cà phê”.
2. Bản thân cô Oanh lúc sinh thời rất quan tâm đến việc giáo dục cho giới trẻ kỹ năng sống và nhận thức đúng về giá trị cuộc sống. Chẳng hạn, trước hiện tượng người người đua nhau xài đồ xịn, cô cho rằng: Khi muốn “lấy le” với thiên hạ là ta chưa tự tin lắm về giá trị thật của mình. Kế đó là do một hội chứng được gọi là “tâm lý nhà giàu mới” ở những người cần phô trương của cải vật chất để tạo cho mình một vị trí mới trong xã hội. “Nhà giàu cũ” lâu đời không cần chuyện đó và “Người xịn” thì không cần “đồ xịn” như một vỏ bọc bên ngoài – cô Oanh nói.
Chọn cách trang hoàng nhà cửa hay không gian sống cho mình, sự thể cũng gần giống như vậy. Có người thích cầu kỳ theo lối cổ điển; có người thích đơn giản, tiện dụng theo lối hiện đại. Miễn là ta đừng “quên” sống cuộc sống thật của mình.
3. Giản đơn là một phong cách. Hiểu theo nghĩa truyền thống, là một khía cạnh của nếp phong lưu, sự chừng mực, không khoe mẽ. Theo nghĩa hiện đại, nó là tối giản (minimalism)? Dù là gì, cái đẹp giản đơn và lối sống giản đơn không phải do nghèo, do ít tiền. Giản đơn mà sang trọng, thuần khiết. Cũng như ở phía ngược lại, sự cầu kỳ dễ sa vào diêm dúa, lòe loẹt. Trọc phú, dù “phú” mấy chăng nữa, vẫn “rẻ tiền”.
Thế nhưng, như ai đó đã nói: “Văn hóa là sự khác biệt, không phải sự cao thấp”. Có khác biệt thì mới có bản sắc, có sự phong phú, đa dạng. Đẹp giản đơn, thật đáng bàn và đáng ca ngợi; song tôi nghĩ, đừng cho rằng chỉ sống như mình, lựa chọn như mình mới là duy nhất đúng, duy nhất hay ho.
Lý Lan (Nhà văn)
Nhiều người bảo là họ không có sự lựa chọn nào cả, có được bất kỳ chỗ nào dung thân là may phước rồi. Nhưng vấn đề nằm ở nhận thức của con người.
Ngôi nhà được vun quén làm “tổ ấm” thực sự, nơi người ta sống cuộc đời mình, chứ không phải để
phô trương cho thiên hạ lác mắt. Quan trọng là cách sống trong ngôi nhà đó…
KHÔNG DỄ DÀNG
Antoine BertrAnd (Kiến trúc sư Pháp, hành nghề tại Hà Nội)
Cá nhân tôi nghĩ rằng, vẻ đẹp có thể tìm thấy trong sự đơn giản và thường thì đơn giản là đẹp. Tuy nhiên cũng không dễ dàng chút nào để có thể làm nổi bật vẻ đẹp với phong cách tối giản, vì những gì đơn giản (ít chất liệu) thường khó thực hiện.
Kiến trúc hiện đại nặng về kỹ thuật và công nghệ, nên hình thức đơn giản là xu hướng tất yếu (dù có ngoại lệ, là hi-tech, với hình thức rất phức tạp). Trong lĩnh vực nhà ở cũng nên khuyến khích kiến trúc giản đơn; song cần xem xét tới các yếu tố khác cho phù hợp – ví dụ như địa điểm, cảnh quan, môi trường, con người… và cả yếu tố công năng sử dụng có thích hợp với phong cách đó không. Một công trình trong phố cổ, trong phố cũ không thể “đơn giản” theo kiểu phẳng lì, trơn tuột.
Tôi đã từng làm các thiết kế với phong cách hiện đại tối giản, tuy nhiên rất khó để có thể thuyết phục khách hàng xây nhà theo phong cách này – nhất là đối với một số khách hàng không có nhiều tiếp xúc với văn hóa kiến trúc cũng như lối suy nghĩ mở, phóng khoáng về kiến trúc. Họ thường sợ là các thiết kế này quá cấp tiến so với những gì họ đã quen nhìn thấy.
ĐƠN GIẢN LÀ… PHỨC TẠP
Đào Thanh Hưng (Đạo diễn điện ảnh)
Sự đơn giản trong kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh có thể thấy rõ là đơn giản về hình khối, màu sắc, mảng miếng. Người sáng tác hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình những chi tiết, đường nét để thể hiện trong tác phẩm. Số lượng đường nét, màu sắc… càng ít, sự đan xen bố cục dễ nhìn thì tác phẩm càng được coi là đơn giản mà không kém giá trị sáng tạo.
Tuy nhiên để có được cái đơn giản đó, lại là cả một sự phức tạp. Thường thì khi đã đạt tới một khả năng nhất định nào đó, người sáng tác mới có thể dũng cảm lược bỏ những chi tiết mà mình đang cảm thấy thừa.
Đó là về khía cạnh sáng tác. Tôi cho rằng riêng với kiến trúc, từ sáng tác đến thực tế còn nhiều vấn đề nữa, mà trong một xã hội còn thiếu nhiều quy chuẩn thì muốn đơn giản cũng rất… phức tạp.
THƠ HAY KHÔNG CẦN HOA MỸ, CẦU KỲ
Phạm Trung Kiên (Nhà thơ)
Cái đẹp hiện hữu ở khắp nơi và con người “nhìn” ra chúng, mang chúng vào trong không gian sống của mình. Tùy từng gu thẩm mỹ, sở thích, hoàn cảnh, điều kiện, năng lực tài chính… mà mỗi người, mỗi gia đình sẽ lựa chọn và thể hiện mình trong mỗi căn nhà khác nhau. Mỗi phong cách thể hiện đều có những “quyền lực” riêng của nó.
Một căn nhà đẹp cũng có thể ví như một bài thơ hay. Cái hay không nhất thiết phải đến từ những lời thơ hoa mỹ cầu kỳ, mà đôi khi những câu chữ dung dị, giản đơn. Chính điều đó lại làm cho người ta phải lay động và ám ảnh. Tuy nhiên, sự giản đơn, phải tính đến yếu tố phù hợp. Và cái chính là phải biết thổi tâm hồn, phong cách của gia chủ vào căn nhà…Tôi cũng đề cao sự đơn giản, sang trọng và tiện dụng. Ở thời buổi nhà đất chóng mặt, khi ai cũng cần phải cố gắng để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc, căn nhà mà mình sống phải phát huy tính hữu dụng trên từng centimet vuông. Chính vì thế, cầu kỳ diêm dúa nếu có cũng sẽ trở nên xa lạ với chính chủ nhân của nó.
Tác phẩm của Tom Friedman: 1- Chi tiết của tranh bút dạ đen trên giấy (mỗi chấm đen bằng đúng độ loang lớn nhất của các cỡ bút khác nhau); 2- Tượng tối giản “không đề”, vật liệu bằng ống hút nhựa trắng
ỨNG HỢP VỚI THIỀN
Hoàng Dương Cầm (Họa sĩ)
Tôi muốn chia sẻ ý niệm về vẻ đẹp giản đơn từ công việc nghệ thuật của một nghệ sĩ đương đại nổi tiếng quốc tế – Tom Friedman, người Mỹ, sinh năm 1965 – ngõ hầu gợi mở một góc nhìn trong lối sống, hay tổ chức không gian sống.
Vừa qua tôi tham dự một chương trình lưu trú sáng tác tại Tokyo (Nhật Bản). Dẫu cho đời sống ở đó rất hiện đại, tôi vẫn thấy cái không khí rất Thiền luôn ẩn hiện trong lòng thành phố, với những góc nhỏ ura (ngả sau) tĩnh tại, nép tựa bên những ồn ã, náo nhiệt của phố lớn omote.
Có lẽ phần nào trong ảnh hưởng ấy, mà khi xem lại tác phẩm của Tom Friedman tại Nhật, tôi nhận ra nét ứng hợp giữa nghệ thuật của một nghệ sĩ phương Tây với Thiền. Trong nghệ thuật của Tom Friedman, sự chú tâm tạo nên lối chăm chút mà không rườm rà, hứng khởi mà toát yếu không thừa. Có lẽ đó là sự sáng sủa đến mức quá giản dị, đã trở nên sang trọng tuy vẫn đầy hóm hỉnh
Dường như nội lực ở người nghệ sĩ ấy đã biến hóa trong chớp mắt khiến những chất liệu mà anh sử dụng tỏa ra ánh xạ giàu sức sống và hàm chứa, dẫu cho đó chỉ là một trang giấy trắng, vài cây ống hút hay quả bóng nhựa đồ chơi… Không quá ngạc nhiên khi những tác phẩm ấy luôn nhận được sự săn đón của các bảo tàng hay nhà sưu tập từ Tây sang Đông.
Chính sự giản dị mà toát yếu, thuần khiết ấy đã góp phần làm nên tên tuổi độc đáo của Tom Friedman – một nghệ sĩ ý niệm, một điêu khắc gia đương đại hàng đầu. Anh từng bộc bạch về sở thích muốn giữ studio của mình luôn trống, vì điều đó hỗ trợ đắc lực cho sự chú tâm cũng như rộng mở đón nhận các khả biến. Có lẽ đây không chỉ là cái hay của một phương thức làm nghệ thuật, mà hiểu rộng ra, còn là một cách sống, cách làm việc.
Thực hiện: Võ Sa Huỳnh, Hà Thành.
Theo tcnhadep.com