Nghệ thuật sắp đặt

Khi người ta biết quý điêu khắc, hay ít nhất là biết nâng niu những vật phẩm, khối hình được tạo ra từ bàn tay, óc sáng tạo, thì người ta đã xác lập được thái độ trân trọng không gian sống.

Tôi chưa được vào nhà của dân điêu khắc chính gốc, để xem “nhà của nhà điêu khắc” thì tranh tượng thế nào. Nhưng ít ra ở TP. HCM tôi cũng quen biết vài ba người trong giới kiến trúc, hội họa – thích nghịch ngợm chút ít tranh tượng, mỗi người mỗi vẻ, dường như gặp nhau ở điểm chung nào đó, dù họ chưa bao giờ gặp nhau.

tin tuc tai gia long

tin tuc tai gia long

Góc ngọ nguậy, sắp đặt từ những vật dụng đời thường, đất đá thô ráp của họa sĩ Nguyễn Vũ.

Họa sĩ Nguyễn Vũ, âm thầm làm nghệ thuật lấm lem bụi đất nơi một góc nhỏ vừa là nhà vừa làm xưởng vẽ kiêm quán cà phê bên quận 8. Những sắp đặt, bố cục của ông có thể nói là chưa hoàn hảo; mới nhìn qua, ngỡ như mớ đất đá hay đồ cũ nguệch ngoạc, nhưng trông kỹ mới thấy đều là những tác phẩm nho nhỏ bộc rõ thái độ sáng tạo kỹ lưỡng, độc bản, nghiêm cẩn và nhuốm đủ màu buồn vui trải nghiệm của một gã lãng tử ở tuổi gần lục tuần, u trầm và lặng lẽ.

tin tuc tai gia long

Giữa mớ gạch của KTS Phạm Tuấn Khanh, các tượng mỹ nghệ trang trí như bật lên sức sống riêng.

Một người thầy của tôi là KTS Đỗ Gia Thụy lại như rong chơi thoải mái bên những “thứ linh tinh” ngoài thú vui vẽ tranh của mình. Mấy gian nhà thấp thoáng giữa cây lá của ông trên Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức hầu như không đủ cho tranh vẽ và góc hàn huyên bạn bè. Ông chơi với điêu khắc như một nghịch ngợm nho nhỏ; thêm bớt, xê dịch một chút vào vật thể gốc theo góc nhìn riêng để vật dụng, bình gốm, tượng gỗ khi vào nhà ông bỗng duyên hơn, xinh hơn, có vần điệu hơn.

tin tuc tai gia long

Vài xếp đặt nhẹ nhàng trên căn gác nhỏ của KTS Trần Phụng Tiên Phuông.

Mớ gạch ngói hỗn độn ở quán cà phê Lò Gạch, vô tình đã cho tôi thấy ranh giới giữa kiến trúc và những nghề khác vừa nhòe mờ vừa rõ rệt. Không ai bắt nhưng dân kiến trúc phải nên dung hòa cả thợ lẫn thầy, nên xen vào các lĩnh vực “bà con họ hàng” với kiến trúc như nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… đồng thời biết giữ tâm đủ tĩnh để không trở thành kẻ lắp ghép các mảng miếng chiêu trò. Ở Lò Gạch của KTS Phạm Tuấn Khanh, tôi thích ngắm những góc “mượn điêu khắc” nói chuyện kiến trúc khá quen mà lạ, lắm bất ngờ ngộ nghĩnh. Đây, một thiếu nữ tràn căng nhựa sống ưỡn cong đón nắng ban mai. Kia, “cặp đôi” Thị Nở – Chí Phèo khá hoàn hảo ngả ngớn trên quầy bar thấp thoáng trăng muộn. Chủ quán mê Hi-end, nhưng cũng khoái low-style, bằng chứng là gạch thô đủ loại được gom về thật lắm công phu, mà cũng lắm lu bu nhọc nhằn.

tin tuc tai gia long

Nhà vườn của KTS Đỗ Gia Thụy ắt hẳn sẽ kém duyên hơn nếu thiếu những sáng tạo đậm chất hoài niệm này.

Bạn đồng môn với tôi, KTS Trần Phụng Tiên Phuông thì lại đặt những tượng nhỏ, phù điêu trong nhà mình theo tâm thế của người làm nghề giản dị, có sao dùng vậy, nhưng không cẩu thả qua loa, mà cũng không ra điều “ta đây dân kiến”. Tượng thổ dân da đỏ này bạn thân tặng, tượng Phật nhỏ kia thỉnh từ Ngũ Hành Sơn. Trên khung cửa là phù điêu chú heo vàng vui vẻ, còn gần lối vào toa lét là chiếc bình mặt nâu môi trề khá ngầu và ngộ nghĩnh. Tất cả quây quần trong gian phòng áp mái nho nhỏ của anh theo kiểu “biết ra sao ngày sau”, không hề sắp đặt, nhưng người hiểu gu của anh nhìn vào thấy món ấy là phải ngay chỗ ấy rồi, khó dời đi đâu khác được.

Tôi tin chắc luôn, không ít người xem những tấm ảnh và lời kể lể trên đây sẽ cười và bảo rằng: “Ô, ăn nhằm gì, thiên hạ giờ này đầy rẫy người chơi bình gốm tượng đá đẹp và độc, có nhiều bộ sưu tập ‘khủng’ hơn nhiều lần, chủ nhân cũng cá tính lắm”. Vâng, dĩ nhiên tôi chỉ kể ra những góc quen của người mình quen, như ví dụ không điển hình, không quy chuẩn. Những góc sống xuất phát từ thú chơi riêng lẻ ấy, dưới góc nhìn của tôi đều rất sống, rất động, cho dù bình gốm phù điêu tượng tròn chạm gỗ chỉ là tĩnh vật, và chủ yếu là dân dã ít tốn kém, không như mấy chú… tê giác nhồi bông của đại gia thừa tiền đâu. Họ – người là dân kiến trúc chính ngạch, kẻ chỉ họa sĩ rẽ ngang, có đất rộng vài mẫu hoặc căn hộ vài chục mét vuông, quán xá thuê mặt bằng hay nhà trệt làm xưởng, thì dường như đều có chung mẫu số của những tâm hồn nghịch ngợm thơ trẻ. Dầu mua gom hay tự chế, được bạn bè tặng hay miệt mài vọc đất mà nên, tất cả đều gặp nhau ở điểm chung là sự chăm chút, trân trọng góc sống – góc chơi – góc riêng của mình. Chăm chút trước, rồi chia sẻ sau, không phải đặt tượng vào để khoe hàng hay để dằn mặt dân chơi, mà đơn giản với họ là nhu cầu được chạm vào, chung sống với những hình khối, màu sắc, chất liệu… như lẽ tự nhiên phải thế; không là một nghề cần đeo đuổi hay cái nghiệp gì lớn lao mà phải vật vã, tốn kém quá mức.

Tôi tin rằng khi người ta biết quý điêu khắc, hay ít nhất là biết nâng niu những vật phẩm, khối hình được tạo ra từ bàn tay, óc sáng tạo, thì người ta đã xác lập được thái độ trân trọng không gian sống. Điêu khắc khi ấy chính là cánh cửa, góc nhìn, thụ cảm đầu tiên, cơ bản của kiến trúc, của kiến tạo, là vốn kiến thức được tiếp nạp một cách có ý thức.

Bài: Kts Huân Tú
Ảnh: Khang Hạnh
Theo tcnhadep.com