Sài Gòn, dấu ấn qua từng năm tháng
1. Sài Gòn, trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội của miền nam đất nước, được hình thành từ cuối thế kỷ 17. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang miền đất này, lập nên Phủ Gia Định, tiền thân của đô thị Sài Gòn.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 31, (Quốc sử quán Triều Nguyễn) phần về tỉnh Gia Định đã chép: “…Năm Mậu Dần (1698), đời Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu – Tg) lại sai Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (tức Nguyễn Hữu Cảnh – Tg) kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt các chức Giám quân, Cai bạ và Ký lục…” .
Đây được coi là cái mốc hình thành nên đô thị thủ phủ miền Nam sau này.
Năm 1859, người Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu công cuộc quy hoạch xây dựng Gia Định – Sài Gòn thành một đô thị lớn kiểu phương tây, là một trung tâm đa chức năng phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Đó cũng chính là tiền đề của việc tạo nên một gương mặt đô thị Sài Gòn về sau.
Phần lớn những công trình mang dấu ấn lịch sử còn tồn tại đến bây giờ được xây dựng trong thời kỳ thuộc Pháp. Trải qua thời gian cùng những biến động và thăng trầm, Sài Gòn trở thành thủ đô của Quốc gia Việt Nam (1949-1954) rồi thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975).
Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), ngày 2/7/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên miền đất lịch sử Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu so sánh chiều dài lịch sử của những miền đất đã từng là kinh đô khác như 1.000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, hay 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế; thì Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ.
Hơn 300 năm là một khoảng thời gian không dài đối với một đô thị lớn, đô thị trung tâm; nhưng Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên một miền đất phồn hoa đô hội với những sắc thái văn hóa đa dạng.
Và dẫu không còn là thủ đô nữa, thì Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh vẫn là một đô thị phát triển, một trung tâm có sức hút mãnh liệt và cũng đầy ắp những giá trị tinh thần.
2. Kiến trúc là gương mặt phản ánh lịch sử, văn hóa và xã hội. Kiến trúc Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nét điều đó qua cấu trúc đô thị, qua những công trình của các thời kỳ.
Nhiều công trình thực sự là những tác phẩm kiến trúc kinh điển xác lập nên diện mạo đô thị thành phố và tạo nên những giá trị văn hóa tinh thần.
Những công trình cổ, xưa đã trở thành di sản; và thành phố vẫn tiếp tục mới mẻ và hiện đại với những tòa nhà mới. Cũ và mới luôn hiện diện cùng nhau tạo nên một sắc thái rất riêng ở mảnh đất này!
Có thể khi xây dựng những công trình theo quy hoạch Sài Gòn, người Pháp cũng không thể hình dung rằng nó sẽ mang những giá trị lịch sử và ghi đậm dấu ấn đô thị đến như vậy, và sự ảnh hưởng về mặt xã hội lớn hơn nhiều so với giới hạn của việc xây cất thông thường.
Một bến Nhà Rồng trở thành địa chỉ thiêng liêng, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, một chợ Bến Thành trở thành biểu tượng thành phố tới nay đã gần một thế kỷ, một Nhà thờ Đức Bà được coi là kiệt tác kiến trúc đô thị… Những công trình như vậy còn rất nhiều, hiện diện như những trang sử của xã hội và kiến trúc.
Có thể kể thêm những Tòa Đô chánh Sài Gòn, Nhà hát lớn, Bưu điện thành phố, Bảo tàng Nam Kỳ… Tất cả đã trở thành gương mặt và cũng là linh hồn của đô thị…
Cùng với Hà Nội ở phía bắc, Sài Gòn là một trong hai đô thị lớn và quan trọng nhất của Việt Nam, là thủ đô của Liên bang Đông Dương trong giai đoạn 1887-1901; được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris phương Đông.
Trong ngót 100 năm Pháp thuộc, Sài Gòn đã mang dấu ấn của một đô thị phương Tây với những đường nét, phong cách kiến trúc phương Tây. Nhưng không chỉ có vậy, sự tiếp biến giữa cũ và mới, sự giao thoa giữa đông và tây, sự va đập và hòa hợp của nhiều dòng chảy văn hóa đã tạo nên những nét riêng, rất đặc trưng của Sài Gòn, mà kiến trúc là tiêu biểu.
Từ sự kết hợp giản đơn với những chi tiết nhỏ ở Bến Nhà Rồng, tới phong cách Đông Dương ở Bảo tàng Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh); hay sự gặp gỡ ấn tượng đông tây ở công trình “Nhà chú Hỏa” (nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh)… là minh chứng cho những sự đa dạng văn hóa.
Bên cạnh những kiến trúc công trình, thì những giá trị quy hoạch thể hiện trong cấu trúc đô thị một lần nữa khẳng định điều đó. Có thể thấy sự giao hòa khéo léo giữa cấu trúc đô thị phương Tây với lý thuyết quy hoạch hiện đại, cùng những đặc thù riêng của miền đất sông nước này.
Có thể thấy những kiến trúc nhà phố của người Hoa ở khu Chợ Lớn cùng những công trình mang đậm dấu ấn Á Đông như đền, chùa, hội quán… hiện diện và gắn bó hữu cơ trong một cơ thể đô thị châu Âu mà vẫn hòa hợp, tôn vinh lẫn nhau và cùng tỏa sáng.
Tiếp nối những giá trị đó, chỉ trong một khoảng thời gian khiêm tốn – vài chục năm (tới trước năm 1975), các kiến trúc sư Việt Nam nơi đây đã tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ cho kiến trúc Sài Gòn bằng những công trình hiện đại, với tâm thế hòa nhập thế giới mà vẫn chứa đựng hơi thở và tinh thần dân tộc, có những đặc thù riêng của khí hậu địa phương.
Những công trình của thời kỳ này mang giá trị những kiến trúc di sản, mà không hề cũ. Có kiến trúc sư đã nhận định rằng những công trình của thời kỳ này hoàn toàn “nói chyện ngang ngửa” với kiến trúc hiện đại thế giới đương thời; và tiếp tục là niềm tự hào của Sài Gòn như Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Thư viện Khoa học Tổng hợp, Trụ sở Ngân hàng Công thương, Viện Trao đổi văn hóa Pháp…
Những kiến trúc đó đã phát lộ một xu hướng phát triển rực rỡ, đầy bản sắc của Sài Gòn, làm phong phú và đầy đặn thêm vóc dáng thành phố.
3. Sau năm 1975, rồi sau đổi mới 1986, và trên bước đường hội nhập cho tới hôm nay; Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh vẫn khẳng định vai trò của một đô thị lớn với những giá trị quy hoạch – kiến trúc vốn có.
Bên cạnh “vốn liếng” kiến trúc Sài Gòn cũ trước 1975 – đã trở thành di sản; thì kiến trúc mới của thành phố Hồ Chí Minh vẫn là những điểm sáng trong bối cảnh xây dựng và hành nghề kiến trúc hiện tại. Được đánh giá là một thành phố trẻ, năng động và phóng khoáng; kiến trúc của thành phố cũng phán ánh rõ nét điều đó.
Kiến trúc mới của thành phố thể hiện rõ sự mạnh mẽ, hiện đại. Được tiếp cận và ứng dụng nhiều công nghệ và vật liệu mới, những kiến trúc sư tiếp tục làm đẹp và phong phú thêm cho thành phố bằng nhiều công trình, nhiều tác phẩm mang dấu ấn, hơi thở của thời đại.
Những kiến trúc mới, những cao ốc, những đô thị mới… vẫn đang mọc lên; ghi nhận những thành công, thành quả nhất định sức sáng tạo của giới kiến trúc sư.
Bên cạnh các công trình, dự án lớn do nước ngoài thiết kế, kiến trúc sư trên đất Sài Gòn vẫn tự tin và miệt mài khẳng định những giá trị tiếp nối xứng đáng.
Đền tưởng niệm Bến Dược, Trung tâm Hành chính quận 10, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Đền tưởng niệm Vua Hùng… là những công trình ghi dấu ấn trong thời kỳ này, dẫu chỉ là phác họa chứ chưa phải là một cuộc điểm danh đầy đủ.
Tuy vậy không thể không nhắc tới mặt trái của sự phát triển. Sức ép đô thị và những vấn nạn đô thị đang hủy hoại dần nhiều giá trị kiến trúc di sản hiện hữu. Thành Gia Định xưa đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn dấu vết… khảo cổ. Những công trình của Sài Gòn ngày hôm qua đang bị những cao ốc mới bức hiếp đến nghẹt thở. Những khoảng xanh bị gặm nhấm dần dần
Không gian đô thị đang bị phá vỡ, đặc biệt là vùng lõi ( quận 1, quận 3 ) – nơi tạo nên những giá trị văn hóa – kiến trúc, tạo nên gương mặt đô thị của Sài Gòn.
Khi những di sản vật thể biến dạng hay biến mất, thì có nghĩa những giá trị tinh thần sẽ bị mất theo. Ta có thể xây dựng công trình mới, nhưng không thể “xây mới” di sản. Khi di sản kiến trúc đô thị mất đi, cũng là khi bản sắc đô thị, linh hồn văn hóa cũng không còn
Bài & ảnh: Kts Nguyễn Trần Đức Anh
Theo tcnhadep.com